Hotline: 086 53 54 860
Giỏ hàng

[Báo đầu tư] Mộc Hương: Mỹ phẩm xanh bản địa và điểm chạm tới kinh tế tuần hoàn

  Chưa từng một ngày được đào tạo về kinh tế, cũng không hề biết về khái niệm kinh tế tuần hoàn, nhưng hành trình phát triển tự nhiên của mỹ phẩm thiên nhiên Mộc Hương dưới sự dẫn dắt của nữ CEO Hoàng Thị Thanh Huyền lại có điểm chạm đầy bất ngờ với những giá trị lý tưởng mà nhiều doanh nghiệp lớn đang theo đuổi. Sự lựa chọn khác biệt Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Phú Thọ, cũng như nhiều thiếu nữ cùng trang lứa đầu những năm 2000, Huyền cũng từng bị thu hút bởi các sản phẩm dầu gội và sữa tắm có nhiều mùi hương hấp dẫn. Thời điểm đó, đây là những mặt hàng xa xỉ phẩm mà không phải ai cũng có điều kiện dùng, nhưng dù tò mò và yêu thích đến đâu thì cơ địa nhạy cảm đều khiến làn da cô lập tức kích ứng khi tiếp xúc với nó. Lý do này đã thôi thúc Huyền tìm về các phương pháp chăm sóc da dân gian và gieo mầm cho hành trình phát triển dòng sản phẩm mỹ phẩm tự nhiên của cô sau này. “Tôi đã từng theo học ngành hóa dược, nhưng cũng nhanh chóng nhận ra không phù hợp bởi các sản phẩm hóa dược muốn làm ra thì đều cần phải sử dụng hóa chất vô cơ khá nguy hiểm như axit sunfuric hay axit clohidric”, Huyền nói. Cơ duyên tiếp tục đưa đẩy cô qua một số vị trí công việc khác như nhân viên văn phòng, phụ trách đào tạo trong công ty mỹ phẩm handmade và sau đó làm chủ một nhãn hàng riêng vào năm 2015. “Hồi đó còn quá trẻ, tôi nghĩ rằng chỉ cần mở một cửa hàng mỹ phẩm handmade đủ để phục vụ một lượng khách hàng nhỏ và có khoản thu nhập hàng tháng là ổn”, Huyền tâm sự. “Nhưng tôi dần nhận ra làm mỹ phẩm không giống như làm bánh. Nếu sản phẩm không được cơ quan quản lý chứng nhận, nó sẽ dễ bị đánh đồng với những sản phẩm kém chất lượng không rõ nguồn gốc và dần mất niềm tin từ khách hàng. Sự liều lĩnh [p3] đã thôi thúc tôi quyết định khởi nghiệp lần hai và đến năm 2019 thì Mộc Hương chính thức thành lập”. Giống như bất kỳ thương hiệu mới nào, cả Huyền và Mộc Hương đều từng loay hoay với định hướng phát triển. “Không trở thành rác” là điều vị CEO này tâm niệm, nhưng dấu ấn mạnh mẽ của hành trình chỉ thực sự bắt đầu khi cô làm mẹ và dành nhiều quan tâm hơn với các liệu pháp chăm sóc sức khỏe bằng thảo mộc. Huyền khát khao tạo ra một dòng sản phẩm thực sự khác biệt so với những sản phẩm đang được bán trên thị trường và quan trọng nhất, nó bắt buộc phải phù hợp với những người có cơ địa dị ứng hoá chất giống như cô. “Thị trường có nhiều loại dầu gội và sữa tắm, nhưng về bản chất chúng vẫn na ná giống nhau. Nếu Mộc Hương cũng là một nhãn hàng giống như vậy thì người tiêu dùng chỉ thêm đau đầu lựa chọn ”, vị CEO trẻ tuổi cho biết. Đúng như tên gọi, các sản phẩm từ sữa tắm, dầu gội đầu, tinh dầu và mỹ phẩm dưỡng da của Mộc Hương luôn tập trung vào những gì mộc mạc và đơn giản nhất. Huyền chia sẻ, Mộc Hương là một nhãn hàng bản địa nên hầu hết các nguyên liệu đều là những cây cỏ gần gũi, quen thuộc có thể dễ dàng tìm thấy trong bất cứ khu vườn nhà nào. Sản phẩm của Mộc Hương cũng tối ưu những thành phần nguyên liệu tự nhiên, đảm bảo khả năng phân hủy an toàn với môi trường. Cuối cùng, dù có đơn giản và thuần tự nhiên đến đâu thì cô mong muốn người tiêu dùng sẽ trở nên đẹp hơn, khỏe hơn và thư giãn hơn khi sử dụng những sản phẩm của mình. Đây cũng là 4 giá trị về truyền thống, giá trị xanh, giá trị cảm xúc và giá trị sức khỏe mà Mộc Hương đang theo đuổi. Vòng tròn của hạnh phúc Từ sự định vị rõ ràng, Huyền bắt tay vào xây dựng vùng nguyên liệu riêng cho Mộc Hương. Mảnh vườn rộng hơn 1000m2 của bố mẹ cô ở quê đã trở thành vùng nguyên liệu đầu tiên để rồi sau đó, những vùng nguyên liệu trồng cam, trồng tía tô, trồng mùi già… của Mộc Hương trên khắp cả nước cũng lần lượt hình thành. “Khó khăn lớn nhất khi chọn phát triển theo hướng bản địa chính là tìm đầu ra của sản phẩm. Trong mọi tình huống, Mộc Hương cam kết thu mua và luôn cố gắng bao tiêu toàn bộ đầu ra cho nông dân vùng trồng để có thể kiểm soát nguồn nguyên liệu một cách tốt nhất”, Huyền chia sẻ. Khi mới thành lập, 300 sản phẩm đầu tiên của Mộc Hương đã bán hết sạch chỉ trong một tuần dù không hề được quảng cáo. Năm thứ 2, quy mô sản xuất đã tăng gấp 3 và tới năm nay, Mộc Hương tự tin có thể vững vàng hơn trên con đường đã chọn với sự xuất hiện của ngày càng nhiều các đơn hàng lớn. Tuy nhiên, CEO Mộc Hương cho biết cô không bất chấp tất cả để theo đuổi bài toán lợi nhuận, bởi con đường của mỹ phẩm tự nhiên là một con đường bền vững và lâu dài. “Nhiều khách sạn, homestay từng liên hệ đặt hàng số lượng lớn, tôi không nhận lời vì chi phí họ đưa ra còn kém xa so với nguồn vốn sản xuất. Mộc Hương không thể giảm bớt chất lượng để đáp ứng những đơn hàng này”, cô khẳng định. Không chỉ tập trung vào sản xuất dòng mỹ phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, an toàn cho sức khỏe, Mộc Hương còn rất quan tâm tới những hoạt động liên quan tới môi trường, cộng đồng. Suốt nhiều năm qua, Mộc Hương luôn thu mua chai, lọ sản phẩm đã sử dụng để tái chế. Thương hiệu này cũng xây dựng một quỹ thiện nguyện riêng trích từ doanh thu bán sản phẩm nước tắm mùi già, một trong những dòng sản phẩm nổi tiếng nhất của Mộc Hương rất được ưa chuộng vào dịp gần Tết nguyên đán. Có thể thấy, vòng tuần hoàn khép kín là hình thái mô phỏng chính xác nhất hành trình của Mộc Hương. Nó không chỉ là vòng đời trọn vẹn của một sản phẩm từ khâu sản xuất tới phân phối, không chỉ là chu kì của những sản phẩm mỹ phẩm thuần tự nhiên tới lúc tự tiêu hủy trong môi trường mà còn là sự tròn đầy của hạnh phúc khi được cho đi và nhận lại. “Sau này tôi mới biết có một khái niệm gọi là kinh tế tuần hoàn”, CEO Công ty TNHH Mộc Hương thừa nhận. “Khi chạm đến kinh tế tuần hoàn, chúng tôi nhận thấy có chung nhiều giá trị và thực tế trong suốt nhiều năm qua, Mộc Hương đã luôn áp dụng những triết lý đó vào hoạt động của mình”. Nguồn: Bài viết được đăng trên đặc san PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG 2022: Hành trình hướng tới Net Zero của Báo Đầu tư.

[VTV4] Mùi hương đặc trưng của Tết Việt

Tết, dịp lễ lớn nhất trong năm của người Việt đang đến rất gần. Nhắc đến Tết nhiều người sẽ nghĩ ngay tới những món ăn hương vị truyền thống như bánh chưng, bánh tét, hay những loài hoa đào, hoa mai. Tuy nhiên, không thể bỏ qua những mùi hương đặc trưng, của nhang, của mứt tết hay những nụ hoa xuân. Đối với những người miền Bắc, mùi của Tết chính là hương thơm nồng nàn của hoa mùi già, của nước mùi già, được dùng để tắm gội chào đón một năm mới. Hãy cùng tìm hiểu mùi hương đặc biệt này và xem mùi hương này đang được giữ gìn và phát riển như thế nào trong tiểu mục "Văn hóa và lối sống" của chương trình Culture Mosaic VTV4 dưới đây.

[Kinh tế môi trường] Mộc Hương - nốt hương thảo mộc đồng quê cho cuộc sống hiện đại

Mộc Hương là thương hiệu mỹ phẩm tự nhiên mang đậm những mùi hương bản địa Việt Nam với các dòng sản phẩm chăm sóc da, tóc và chăm sóc cơ thể, nguồn gốc thuần thực vật và tinh dầu tự nhiên. Không chỉ mang lại hiệu quả bền vững cho làn da mái tóc, mỗi sản phẩm của Mộc Hương còn giúp nâng cao, bảo vệ sức khoẻ cho người sử dụng. Mộc Hương mang một nét rất riêng không thể lẫn giữa vô vàn những thương hiệu lớn nhỏ trong ngành mỹ phẩm hiện tại. Khi cầm trên tay sản phẩm, bạn sẽ cảm nhận thật rõ nét hương sắc Việt Nam. Những mùi hương thảo mộc trong sản phẩm của Mộc Hương thân thuộc nhưng lại rất hiếm gặp giữa cuộc sống hiện đại. Mang tới cho người dùng một nguồn năng lượng xanh tươi mới và thân thuộc như đang ở trong khu vườn đầy cây cỏ thơm. Thời điểm cách đây hơn 7 năm, mỹ phẩm tự nhiên còn là khái niệm rất mới ở Việt Nam và chưa tạo dựng được lòng tin của người tiêu dùng. Mộc Hương đã mạnh dạn định vị mình rất rõ: Thương hiệu mỹ phẩm mang đậm bản sắc tự nhiên bản địa, gắn mỹ phẩm đi kèm giá trị sức khoẻ và bảo vệ hệ sinh thái. Chia sẻ với chúng tôi, Hoàng Thị Thanh Huyền - người sáng lập Mộc Hương đã nói: “Mộc Hương không muốn biến mình trở thành 1 thương hiệu “rác” - không mang giá trị khác biệt, lại thêm gánh nặng rác thải hóa học cần xử lý cho môi trường, na ná như các sản phẩm khác trên thị trường chỉ khiến người tiêu dùng đau đầu lựa chọn. Mộc Hương vẫn luôn kiên định đi theo con đường trở thành doanh nghiệp xã hội tử tế, gắn với 4 giá trị cốt lõi: Truyền thống - Cảm xúc - Sức khỏe - Xanh.” Triết lý của Mộc Hương “THÊM LÀ ĐỂ BỚT”. Thêm là: Thêm những người cùng chí hướng, đồng hành, lan tỏa lối sống xanh là đội ngũ, khách hàng, đối tác. Thêm công ăn việc làm cho người lao động, mang đến cho người nông dân nguồn thu nhập tốt, xứng đáng với công sức, nỗi vất vả của họ hơn. Lưu giữ và lan tỏa rộng thêm những nét đẹp truyền thống, thảo mộc quý dân gian. Còn bớt là: Bớt gánh nặng rác thải khó phân hủy ra ngoài môi trường; Tối giản thành phần, bao bì tái chế; Bớt phụ thuộc vào hóa chất; Bớt các vấn đề trên da trên tóc, bớt nỗi lo ảnh hưởng tới sức khoẻ. Năm 2022, Mộc Hương trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong của Việt Nam áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn dưới sự hỗ trợ và đào tạo của Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU (FISS) thuộc Trường Đại học Ngoại thương & cơ quan Phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Trong giai đoạn 2 năm dịch Covid đầy khó khăn vừa qua, dù Mộc Hương cũng chịu sự tác động như bao doanh nghiệp khác, nhưng nhìn về góc độ tích cực hơn, đây cũng là cơ hội để khách hàng có thêm sự trải nghiệm với sản phẩm nhiều giá trị sức khoẻ và doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm với xã hội. Quỹ thiện nguyện Mộc Hương (được tạo ra từ hoạt động hỗ trợ giá người dùng mùa covid và trích từ doanh thu để gây quỹ) đã chung tay cùng xã hội xây điểm trường cho các em nhỏ vùng cao, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Mỹ phẩm thông thường có thể không phải là sản phẩm thiết yếu nhưng với các sản phẩm của Mộc Hương, càng trong thời điểm dịch bệnh lại càng trở nên thiết thực hơn. Ban đầu nhiều khách hàng tìm đến Mộc Hương đơn giản là để tìm một sản phẩm chăm sóc cơ thể, nhưng càng sử dụng càng cảm nhận được nhiều giá trị mang lại so với giá cả bỏ ra, đặc biệt là giá trị bảo vệ sức khoẻ nên càng muốn gắn bó lâu dài. Sản phẩm của Mộc Hương như những nốt nhạc sâu lắng mùi hương thân quen của thảo mộc an lành trên đồng quê Việt Nam! Nguồn bài viết được đăng trên Tạp chí Kinh tế môi trường - chuyên đề đặc biệt chào mừng ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, số 198, tháng 10/2022.

[Cafebiz] CEO mỹ phẩm Mộc Hương: Từ cú sốc trầm cảm sau sinh và khó khăn khởi nghiệp đến niềm hạnh phúc phát triển bản thân nhờ startup

Thời điểm sinh con đầu lòng cũng là lúc người bạn đồng hành rời khỏi startup, Hoàng Thị Thanh Huyền rơi vào vòng xoáy của trầm cảm. Vượt qua những cơn sang chấn tâm lý, cô đứng lên bản lĩnh và gây dựng thương hiệu mỹ phẩm thiên nhiên có tên Mộc Hương. Giọt nước mắt nóng hổi lăn dài trên khuôn mặt trắng hồng tự nhiên không trang điểm của cô gái trẻ. Dáng người mảnh dẻ, mỏng manh nhưng Hoàng Thị Thu Huyền thu hút người ngồi đối diện bằng nguồn năng lượng lạc quan và thần thái kiên định. Cô là nhà sáng lập đồng thời là CEO của Công ty TNHH Mộc Hương Việt Nam. "Tôi không hiểu tại sao mình kiên trì đến thế! Bước vào ngành này như là sứ mệnh của tôi. Nếu tôi chọn con đường ổn định thì đến giờ đến hoàn toàn có thể làm cho một công ty mỹ phẩm lớn và kiếm tiền nhàn tênh. Nhiều nơi đón nhận vị trí cao nếu tôi chỉ lo cho thân mình", nữ doanh nhân trẻ này bất giác rơi nước mắt khi nhớ lại quãng thời gian khởi nghiệp 7 năm của mình. Hoàng Thị Thanh Huyền sinh ra và lớn lên ở Phú Thọ. Từ nhỏ, bạn bè chủ yếu của Huyền là cây cối, vườn tược xung quanh nhà. Cuối năm cấp 2, cô bất ngờ gặp tai nạn và không may mất đi một đốt ngón tay. Từ đây, sức khoẻ của cô bắt đầu đi xuống. Vết thương ở tay chưa lành cũng là lúc cô suýt chết vì sét đánh hụt, mất nửa năm một bên tai không thể nghe được. Sức khoẻ đi xuống kéo theo sức đề kháng của cơ thể cũng giảm sút. Cũng như bao cô gái bước vào tuổi dậy thì, Huyền bắt đầu sử dụng mỹ phẩm để chăm sóc da và phát hiện mình bị kích ứng mạnh. Cô gái trẻ phải quay về với phương thức sử dụng sản phẩm thiên nhiên dân gian. Hiểu được tình trạng bản thân của mình, Huyền bắt đầu manh nha ý định học về đông y, hoá dược để hiểu hơn về cơ chế cũng như cách chăm sóc sức khỏe. Nhưng rồi cô nhận ra rằng để tạo ra một sản phẩm đông y thì trong quá trình sản xuất buộc phải sử dụng những hóa chất vô cơ khá nguy hiểm như axit sunfuric, axit clohydric. Cảm nhận được sự nguy hiểm cho sức khỏe, Huyền quyết định không theo ngành này nữa, mà làm làm công việc văn phòng cho công ty của một người chú. Vốn quen với thiên nhiên, công việc văn phòng suốt ngày ngồi trước màn hình máy tính nhàm chán khiến Huyền cảm thấy ngột ngạt. Cô quyết định nghỉ việc về quê một thời gian sau đó trở lại Hà Nội xin làm nhân viên cho một chuỗi cà phê lớn. Dù công việc phải đứng 7 tiếng mỗi ngày nhưng điều thú vị là sức khoẻ của Huyền được cải thiện đáng kể. Cô gái 23 tuổi bắt đầu đặt ra câu hỏi mình thực sự mong muốn điều gì. Vẫn mong muốn theo đuổi ngành hoá, Huyền chuyển hướng hoá mỹ phẩm. Cô vào làm việc tại một công ty hoá mỹ phẩm handmade đầu tiên manh nha làm các sản phẩm mỹ phẩm thiên nhiên. Năm 2012, Thanh Huyền vừa tham gia vào công việc chuyên đào tạo các khóa học mỹ phẩm cơ bản và bán nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm. Trong 3 năm làm việc tại công ty mỹ phẩm, nhờ năng lực, Huyền dần được đề bạt lên cấp quản lý. Đến năm 2015, Huyền quyết định nghỉ việc và ra làm riêng sau khi lập gia đình. Với số tiền tích cóp được từ khi đi làm cùng 50 triệu đồng bố mẹ cho để mua chung cư, Huyền cùng một người chị góp vốn mỗi người 100 triệu đồng kinh doanh mỹ phẩm thiên nhiên. Thời điểm này, thị trường mỹ phẩm tràn lan các sản phẩm kem trộn làm trắng. Với tâm huyết muốn tạo ra một sản phẩm lành tính cho bản thân và những người có hoàn cảnh tương tự, Huyền quay trở lại trường đại học công nghiệp Việt Trì để nhờ sự giúp đỡ của các thầy cô. Năm thứ hai của hành trình khởi nghiệp, Huyền sinh em bé đầu lòng cũng là lúc người chị làm cùng cũng rút vốn khỏi Mộc Hương. Cô rơi vào vòng xoáy của trầm cảm khi ngày nào cũng khóc triền miên cùng cảm giác cả thế giới đang chống lại mình. Tính cầu toàn, khắc nghiệt với bản thân càng làm cô khổ sở với những cuộc chiến đấu tranh nội tâm. "Tôi cảm giác đứt gãy kết nối với nhiều người chứ không phải một người. Công việc không hiệu quả, không đi đến đâu, gia đình cũng không ổn. Tôi không có nhu cầu gặp gỡ bất kỳ ai, việc gặp gỡ người thân cũng trở nên nặng nề. Kết quả là sức khoẻ đi xuống, cân nặng của tôi chưa đầy 45 cân", nhà sáng lập Mộc Hương nhớ lại đoạn khó khăn nhất trong hành trình khởi nghiệp đã qua của mình. Trước khi ra đi, người chị nói với Huyền rằng cô quá khắc nghiệt với bản thân. Điều này khiến cô giật mình nhìn lại. Cơn trầm cảm đã không nhấn chìm Huyền mà mở ra một con đường mới. Cô gái trẻ bắt đầu kết nối trở lại với xã hội, đi học từ dinh dưỡng, tài chính, kinh doanh cho đến tâm linh. Cô tham gia tất cả các nhiều khóa học có thể nâng đỡ mình đứng dậy. "Sau khi mình mở ra thì vũ trụ tự dưng giúp đỡ mình. Những cái gì mình cần tự dưng sẽ gặp những người, đúng nơi. Tôi chưa từng nghĩ sẽ đi học về tâm linh cho tới khi việc khắc nghiệt với bản thân không thể giải quyết bằng lý trí. Những hành động này thuộc về vô thức và mình không nhận ra. Mình hoàn toàn có thể thay đổi con người mình. Khi mình cầu thị học điều gì thì luật hấp dẫn sẽ đáp ứng. Nhưng mình có đạt được thành công hay không là do năng lực của mình đã đủ chưa. Mình có thu hút cái đó nhưng năng lực chưa đủ thì chưa nhận được cơ hội lúc này", Huyền chia sẻ. Sản phẩm nước tắm mùi già có thể xem là một ví dụ về đáp ứng của vũ trụ với Huyền. Trong một lần tìm ý tưởng để bán cho dịp Tết, ngoài mùi hương trầm thì tục tắm lá mùi là thứ được xem là "có mùi Tết". Huyền đem ý tưởng nghiên cứu và sản xuất một loại nước tắm được chiết xuất từ cây mùi già, tiện dụng hơn, dễ mang đi xa hơn và quan trọng nhất là có thể lưu giữ, sử dụng được lâu hơn mùi hương của Tết truyền thống về gặp cô giáo cũ. Năm đầu tiên Mộc Hương cho ra 300 sản phẩm đầu tiên và bán hết sạch chỉ trong 1 tuần dù không được quảng cáo hay giới thiệu tại một cửa hàng ký gửi. Sang đến năm tiếp theo, quy mô sản xuất tăng gấp 3. Sang năm thứ ba, đại lý mà Mộc Hương ký gửi sản phẩm đóng cửa, từ đây công ty này chuyển sang bán trực tuyến qua các kênh Facebook, từ từ phát triển lên. Nước tắm mùi già có lẽ là sản phẩm được biết đến nhiều nhất của Mộc Hương. Tự nhận mình vẫn là doanh nghiệp nhỏ khi doanh thu chưa tới chục tỷ mỗi năm, Huyền cho biết với ngành mỹ phẩm thiên nhiên truyền thống khó có thể đi nhanh, thậm chí đi rất chậm. Một trong những điều khiến Mộc Hương chưa tăng tốc về quy mô do cần kiểm soát chặt chẽ dầu vào của nguyên liệu từ vùng trồng đến quy trình thu hoạch, bảo quản. "Mỹ phẩm tự nhiên giống việc chị làm bánh. Nguyên liệu xịn thì làm ra bánh ngon. Nhưng để thị trường chấp nhận đòi hỏi phải mày mò rất lâu, từng thứ nhỏ trong quy trình. Quan trọng nhất là vùng trồng và chất lượng nguyên liệu", CEO Mộc Hương chia sẻ. Trải qua nhiều thăng trầm trong quá trình startup, Huyền cho biết hiện tại mình đã rộng mở hơn cũng như biết cách để nhẹ nhàng xử lý những vấn đề trong kinh doanh thay vì lo lắng như trước đây. Hiện cô gái này tâm niệm bài học lớn nhất mà cô nhận được là hành trình phát triển bản thân qua con đường startup, hạnh phúc với Mộc Hương thay vì lúc nào cũng mong cầu giữ chặt nó cho riêng mình. Link bài viết gốc: https://cafebiz.vn/ceo-my-pham-moc-huong-tu-cu-soc-tram-cam-sau-sinh-va-kho-khan-khoi-nghiep-den-niem-hanh-phuc-phat-trien-ban-than-nho-startup-176221022091607014.chn.

[Sức khỏe cộng đồng] Mộc Hương sản xuất sản phẩm hữu ích cho mùa dịch COVID-19

Chị Hoàng Thị Thanh Huyền (SN 1990) tại Phú Thọ hiện là Founder Công ty TNHH Mộc Hương Việt Nam, khởi nghiệp từ năm 2015 cho đến nay bền vững với hướng đi tạo ra và lan tỏa những sản phẩm thiết yếu hỗ trợ sức khỏe, đặc biệt hữu ích trong mùa dịch. Sản phẩm bảo vệ sức khỏe Các sản phẩm của Mộc Hương hầu hết đều là những sản phẩm thiết yếu như mỹ phẩm chăm sóc da, sữa tắm, dầu gội,… Những khách hàng đã, đang và sẽ hướng tới mỹ phẩm tự nhiên đều là những người có sự lựa chọn bền vững, không phải vì xu thế, chớp nhoáng mà cần những sản phẩm tối giản nhưng thực sự chất lượng.  Founder Công ty TNHH Mộc Hương Việt Nam Hoàng Thị Thanh Huyền tại vườn tía tô Khác với những sản phẩm mỹ phẩm khác trên thị trường, 4 giá trị cốt lõi trong sản phẩm của Mộc Hương đó là: Truyền thống – Cảm xúc - Sức khỏe - Xanh. Mộc Hương dành nhiều công sức nghiên cứu để lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, tự nhiên. Như mọi người cũng đã biết đến sản phẩm nước tắm mùi già ngày 30 Tết hay sản phẩm dầu xông tắm thảo mộc lấy cảm hứng từ nồi lá xông của mẹ mỗi khi bị ốm. Ngay cả khi với dòng sản phẩm chăm sóc da hay sữa tắm của Mộc Hương, không chỉ có tác dụng làm đẹp da mà còn bảo vệ sức khỏe thông qua những nguyên liệu tự nhiên và liệu pháp tinh dầu. Đặc biệt, trong mùa dịch, những sản phẩm tốt cho sức khỏe luôn được ưu tiên hàng đầu. Có một số nghiên cứu chỉ ra rằng tinh dầu có khả năng như một chất kháng sinh tự nhiên, làm ức chế, suy yếu hoạt động của một số loại virus gây bệnh truyền nhiễm như cảm cúm, sởi, tay-chân-miệng, và các bệnh nhiễm trùng, nhiễm nấm trên da… Có thể chưa khẳng định chính xác được tinh dầu có chống lại được COVID-19 nhưng với tác dụng sát khuẩn, giải tỏa căng thẳng, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, sử dụng tinh dầu hàng ngày, sau khi có những “tiếp xúc xã hội” sẽ phần nào khiến chúng ta thấy an tâm hơn. Sản phẩm hữu ích cho mùa dịch Mộc Hương rất mong muốn có thể lan tỏa những sản phẩm hữu ích sử dụng trong mùa dịch. Một trong số đó là Dầu xông tắm thảo mộc – tổng hợp từ 7 loại tinh dầu quý thường được cha ông ta sử dụng để xông hơi giải cảm: Mặc dù biết nguy cơ, mức độ lây lan dịch bệnh và thực sự COVID-19 đã nhắc đi nhắc lại chúng ta về bài học không thể chủ quan. Nhưng thực tế nhìn xung quanh chúng ta, vẫn cần tới chợ, siêu thị để mua đồ nhu yếu phẩm. Nơi ở của mọi người có thể là chung cư với thang máy giờ cao điểm đông đúc người. Hàng ngày làm việc với đồng nghiệp, chúng ta vẫn có những “tiếp xúc xã hội” cho những dự án đang dang dở. “Suốt hai năm kéo dài tình hình bệnh dịch, tôi nghĩ rất nhiều, tìm nhiều và đọc nhiều về các phương pháp bảo vệ con người bên cạnh những khuyến cáo của Bộ Y tế. Nhờ đó, tôi yêu các loại tinh dầu tự nhiên thật nhiều và yêu những gì mình đang làm tha thiết”, chị Thanh Huyền chia sẻ. Cô nàng gom hết những kinh nghiệm của ông cha, những tài liệu khoa học viết về khả năng diệt khuẩn và phục hồi cơ thể kỳ diệu của tinh dầu lại để tạo nên một sản phẩm dành cho việc làm sạch không gian và đường hô hấp hiệu quả - Dầu xông tắm thảo mộc. “Trong tình hình bệnh dịch đang trở nên nặng nề hơn, tôi mong muốn được chia sẻ với mọi người về bảo bối này giúp tăng khả năng bảo vệ đường hô hấp mà mình đã sử dụng cho cả gia đình và đội ngũ suốt hơn 1 năm qua”, Founder Mộc Hương cho biết thêm. Một góc vườn hồng và hương nhu tại vườn nguyên liệu của Mộc Hương Hướng đi theo những sản phẩm tự nhiên thiết yếu, mang đậm nét truyền thống và hỗ trợ sức khỏe của Mộc Hương là hướng đi từ những ngày đầu tiên Mộc Hương được sinh ra. Nó không phải là trào lưu hay để “đối phó” với tình hình dịch bệnh. Đối với Mộc Hương, nó là sứ mệnh bền vững và kim chỉ nam để cả một tập thể đi theo.  Đại dịch COVID-19 chính là thách thức mà các doanh nghiệp phải vượt qua. Trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng cũng đang diễn ra cuộc cách mạng xanh thanh lọc bớt những sản phẩm dư thừa, không cần thiết. Mộc Hương luôn có niềm tin rằng kinh doanh bằng sự tử tế sẽ nhận được những trái ngọt từ những vị khách hàng tử tế. Link bài viết gốc: https://suckhoecongdongonline.vn/moc-huong-san-xuat-san-pham-huu-ich-cho-mua-dich-covid-19-d215533.html.

[Thương gia & thị trường] Khởi nghiệp từ cây Hoa Hồng

Với hàng ngàn cây hoa hồng đang đua nhau khoe sắc trên dải sườn đồi tại khu 6, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao của miền đất tổ Phú Thọ đã khiến không ít người phải mê mẩn và thán phục. Mê mẩn vì sắc đẹp bên ngoài và sự thán phục giá trị cốt lõi bên trong của bông hoa do chủ vườn tạo nên. Loay hoay tìm hướng đi Vì là cùng bạn học từ thuở niên thiếu nên tôi không mấy khó khăn tìm đến nhà. Khá là hào hứng khi nhận được lời mời đến chơi nhà vì cũng khá lâu rồi chưa được gặp bạn. Khi vừa đến nơi, tôi thực sự choáng ngợp bởi vẻ đẹp lung linh đầy sức sống của hàng ngàn cây hồng cổ Sa Pa đua nhau khoe sắc, màu hoa hồng thắm, hương thơm lan tỏa dịu dàng. Với dáng người thanh mảnh, khuôn mặt thanh tú cùng giọng nói nhỏ nhẻ. Cô bạn có tên gọi là Huyền, tên đầy đủ là Hoàng Thị Thanh Huyền, bằng tuổi tôi năm nay cũng vừa tròn ba chục. Sau khi dẫn tôi thăm quan một vòng quanh vườn, Huyền rót mời tôi một ly trà hoa hồng và cùng chia sẻ những câu chuyện từ thuở hàn vi. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành hóa dược của Trường Cao đẳng Hóa chất, nay là Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì, Huyền đi làm với công việc văn phòng cho công ty của chú ở Hà Nội, là công ty thương mại và kinh doanh về sản phẩm in ấn. Huyền giãi bày “công việc của nhân viên văn phòng suốt ngày ‘ốp mặt’ vào tường và bàn giấy, cảm giác không còn là chính mình nữa”. Sau hơn một năm gắn bó, Huyền quyết định nghỉ việc ở công ty và bắt đầu tìm công việc mới. Mình học “Hóa” tại sao lại không theo “Hóa”? tại sao lại không theo đuổi ngành của mình thích? Đó là những dòng suy nghĩ luôn hiện đau đáu trong Huyền. Huyền chia sẻ, giờ mà theo ngành Hóa dược thì lại nghĩ đến khoảng thời gian thực tập ngày trước vất vả, tiếp xúc với nhiều axit nguy hiểm. Cũng là bào chế nên mình chọn theo Hóa mỹ phẩm vì an toàn hơn, phần cũng là vì con gái nên rất đam mê mỹ phẩm. Các sản phẩm của Mộc Hương đi theo hướng gợi lại các mùi thân quen trong khu vườn đặc trưng của vùng quê Việt Nam Năm 2013, sau khi đăng tin lên 24h tìm việc làm, Huyền được nhận vào làm công ty TNHH Thực mỹ phẩm Grandpa’s Garden. Công ty chuyên sản xuất các mặt hàng mỹ phẩm, nghiên cứu công thức sản xuất và đào tạo các học viên quan tâm đến ngành mỹ phẩm. Qua các vị trí thử việc, Huyền được phân công vai trò chính là phụ trách sản xuất, phụ trách các khóa học về đào tạo của công ty. Cũng nhờ vào các khóa học đào tạo mà Huyền được tiếp xúc được với rất nhiều người giỏi, các doanh nhân thành đạt. Nhờ họ mà Huyền đã học hỏi được rất nhiều. Chọn hoa hồng để khởi nghiệp Nhận thấy được sự phát triển mạnh mẽ của ngành hóa mỹ phẩm, đặc biệt là mỹ phẩm tự nhiên đang được khách hàng luôn luôn hướng đến. Huyền quyết định nghỉ việc ở công ty sau ba năm gắn bó để có thời gian tìm tòi, nghiên cứu các sản phẩm do chính tay mình tạo ra. Với năng lực sẵn có cùng với bản tính chịu khó ham học hỏi, cuối cùng Huyền cũng cho ra sản phẩm con đẻ đầu tiên đó chính là nước hoa hồng được chiết tách từ chính bông hoa hồng. Một sự thành công không ngoài mong đợi. Huyền hào hứng kể, thời gian đầu hoa được đặt ở các nhà vườn cùng với cam kết hoa sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật lên hoa, mình mua về làm. Lúc đó trên thị trường cũng có một số người làm rồi nhưng đa phần mọi người cũng chưa có nguồn mà chỉ có một vài người buôn. Vào một buổi chiều đông, trong một lần đi xuống thăm vườn đi qua một con mương vô tình bắt gặp những chai lọ vỏ thuốc trừ sâu trôi nổi lềnh phềnh. Xa xa là những vườn hoa nhà khác họ vẫn đang miệt mài phun thuốc. Cảm giác không yên tâm, lo sợ trỗi lên dù sản phẩm mang đi kiểm nghiệm, xét nghiệm thì dư lượng trừ sâu không có, các chỉ số đều nằm trong độ an toàn. Thiết nghĩ vườn mình dù không phun thuốc nhưng bản chất nó vẫn lớn lên từ vùng đất như thế, về lâu dài không thể đảm bảo được. Huyền lắc đầu trong ngao ngán. Khó khăn chồng chất những khó khăn Bố Huyền đang thu hái những bông hồng đủ tiêu chuẩn tại vườn Lòng nặng trĩu trở về nhà và đem câu chuyện chia sẻ với bố của mình. Huyền cùng với bố đưa một bài toán trồng hoa trên đất vườn nhà mình, thu nhập ít cũng từ 5 đến 7 triệu đồng một tháng so với những cây đang trồng trong vườn nhà không có giá trị kinh tế như vậy. Sự đồng thuận càng lên cao khi gia đình nhà chú thím cạnh bên sẵn sàng chặt vườn keo để trồng hoa hồng. Đất đã sẵn, việc tiếp theo là lựa chọn giống sao cho vừa phù hợp với đất và vừa cho ra sản phẩm mùi hương phải thật thơm. Huyền cùng bố và chú, cả ba người lặn lội không biết bao nhiêu vườn hoa giống ở Hà Nội và vùng lân cận để tìm ra loại hoa phù hợp. Sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu và thử mẫu thì cũng tìm ra được hai loại giống trồng phù hợp nhất là hồng cổ Sapa và hồng cổ Tường Vy. Sau hơn một tháng đặt giống ở vườn ươm, hàng ngàn cây hoa giống đã được chuyển về đến trồng tại vườn nhà. Với sự chăm sóc chu đáo cẩn thận thì sau vài tháng cây cũng bắt đầu cho hoa. Những tưởng niềm vui được hân hoan thì trớ trêu thay những bông hoa đang bắt đầu chớm nở kia là loại giống hoa khác. Nhà vườn gửi nhầm giống. Huyền nói với vẻ trầm tư vì dựa vào mặt hoa để nhận biết, mà họ gửi giống cây lên cũng chỉ có vài mầm lá, bản thân chưa có kinh nghiệm phân biệt nên dựa vào tin tưởng là chính. Giờ muốn thay giống lại phải đợi người ta ươm, đến lúc đó thì trời đã chuyển sang hè rồi không thể trồng được vì nắng nóng. Hoa hồng chỉ trồng được vào mùa mưa. Lòng không khỏi xót xa, trồng hàng nghìn cây trên vườn giờ đào lên cũng không được mà trồng xuống cũng không xong. Đầu tư tiền bạc, công sức khá nhiều để nhận lại sự hoang mang. Với mong muốn đem đến cho người dùng những sản phẩm an toàn cho sức khỏe, Huyền có vườn nguyên liệu riêng để đạt tiêu chuẩn hữu cơ tốt nhất Đúc kết kinh nghiệm Sau một năm các gốc hồng được đào lên, mọi người xung quanh ai thích cây nào thì bán cây đó, bán rẻ cho mọi người về chơi. Được thay thế vào đó là những giống chuẩn hoa hồng cổ Sapa và hồng cổ Tường Vy. Huyền nói với giọng đầy lạc quan, rút được kinh nghiệm đau thương từ trước, nhưng cũng có cái măn mắn là có một năm kinh nghiệm, từ cách xem giống, cách trồng và cách chăm sóc… mọi người cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. Hoa hồng có đặc điểm ưa đất tốt, nhiều dưỡng chất. Đồng nghĩa là thường xuyên bón phân hữu cơ, phân chuồng, ủ phân xanh từ cây…chăm bón thường xuyên định kỳ theo tháng, tưới nước liên tục ngày 2 lần. phải thường xuyên cắt tỉa vì đặc điểm cứ một cành mới nhú ra là mang theo hoa, tuy nhiên không được cắt sâu tay quá sẽ gây chột cây. Việc cắt tỉa phù hợp là mùa thu đông, không nên cắt tỉa vào mùa hè vì thời tiết khô cằn không tốt cho cây. Sau một thời gian cho ra sản phẩm, nhận thấy việc chưng cất Hồng cổ Tường Vy tốt hơn Hồng cổ Sapa cả về mùi hương lẫn năng suất nên Huyền quyết định tập trung vào khai thác Hồng cổ Tường Vy. Ngược lại Hồng cổ Sapa có mặt hoa rất đẹp nên được trồng lên chậu và bán ra thị trường. Phát triển các sản phẩm mang đặc trưng của Việt Nam Sau một thời gian kinh doanh cá thể tích lũy đươc nhiều kinh nghiệm, được thị trường đón nhận thì Huyền chuyển sang mô hình doanh nghiệp. Ngày 31/01/2019 Công ty TNHH Mộc Hương Việt Nam được thành lập. Sản phẩm nước tắm giao thừa từ cây Mùi già dùng trong ngày Tết Huyền chia sẻ, vì sinh ra và lớn lên ở vùng quê nông thôn, chủ yếu sống với cây cỏ nên ấn tượng mạnh gợi nhớ về tuổi thơ là những mùi hương. Các sản phẩm của Mộc Hương đi theo hướng gợi lại các mùi thân quen trong khu vườn đặc trưng của vùng quê Việt Nam. Cũng cùng là nước hoa hồng nhưng nước hoa hồng được mua ở nước ngoài không giống với mùi của Mộc Hương vì đơn giản nó là mùi hương của “Tây” chứ không phải của “Ta”. Các sản phẩm chính của Mộc Hương là các sản phẩm chăm sóc về cơ thể con người và hoàn toàn là tự nhiên. Ngoài nước tẩy trang hoa hồng, dầu dưỡng hoa hồng được chưng cất từ hoa hồng cổ, còn có các sản phẩm khác như xà phòng từ Gấc; dầu gội thảo mộc; nước tắm giao thừa từ cây Mùi già để tắm Tết; dầu xông tắm từ bảy loại lá xông: tía tô, xả, chanh, gừng, bạc hà, khuynh diệp, và hương nhu. “Đặc biệt trong mùa Covid mà được sử dụng dầu xông tắm thì rất tốt, có tính kháng khuẩn mạnh” Huyền hồ hởi nói. Link bài viết gốc: https://thuonggiathitruong.vn/khoi-nghiep-tu-cay-hoa-hong/.